Thanh Niên Khởi Nghiệp Từ Nuôi Gà

0
2554

Nhờ nguồn vốn chính sách, nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh đã lập nghiệp, khởi nghiệp, phát triển sản xuất – kinh doanh thành công ngay trên quê hương.

Như nhiều thanh niên ở Quảng Ninh, anh Triệu Kim Phượng, Bí thư Chi đoàn thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ từ một thanh niên nghèo khó, nhưng với ý chí và sức trẻ, anh đã vươn lên thoát nghèo, trở thành thanh niên tiêu biểu trong lập nghiệp, phát triển kinh tế. Anh là một trong những thanh niên ở Đồn Đạc làm giàu từ mô hình chăn nuôi gà. Tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), anh mạnh dạn vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng để chăn nuôi 4.000 con gà thương phẩm. Khi xuất chuồng trừ chi phí thu lãi hơn 100 triệu đồng. Nguồn thu nhập ổn định này không chỉ giúp gia đình anh Phượng thoát nghèo thành công mà vươn lên trở thành hộ khá giả trong xã.

Đầm của gia đình đoàn viên Chìu Văn Toàn, thôn Làng Mới (xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ). Ảnh Hoàng Giang
Đầm của gia đình đoàn viên Chìu Văn Toàn, thôn Làng Mới (xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ). Ảnh Hoàng Giang

 

Cũng giống như anh Phượng, anh Chìu Văn Toàn, Bí thư Đoàn Thanh niên thôn Làng Mới, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ đã từng có giai đoạn khó khăn trong việc xây dựng kinh tế gia đình. Sau khi lập gia đình và ra ở riêng, anh quyết định phát triển kinh tế rừng và cùng với gia đình đầu tư ao đầm nuôi tôm, nhưng với nguồn vốn hạn chế, quy mô trồng trọt, chăn nuôi nhỏ, giá trị kinh tế không cao. Năm 2015, được tiếp cận khoản vay 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH (Chương trình vay vốn giải quyết việc làm) đã giúp anh Toàn phát triển mô hình kinh tế tốt hơn. Theo đó, anh đã đầu tư được hơn 7ha rừng keo và mở rộng quy mô đầm nuôi cua. Các mô hình phát triển hiệu quả nên chỉ sau 1 năm gia đình anh đã trả hết các khoản vay.

Theo báo cáo của Tỉnh Đoàn, tính đến hết tháng 6/2019, tổng dư nợ vốn tín dụng chính sách của đoàn thanh niên quản lý là hơn 273 tỷ đồng, với 235 tổ tiết kiệm và vay vốn, hỗ trợ cho 6.693 hộ thanh niên vay vốn. Nguồn vốn cho vay ủy thác qua đoàn thanh niên trung bình mỗi năm tăng từ 20 đến gần 25 tỷ đồng. Nhiều đơn vị có dư nợ cao và tỷ lệ tăng trưởng cao như: Huyện Tiên Yên, huyện Ba Chẽ, TX Đông Triều…

Với nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ thanh niên nghèo, cận nghèo đã có điều kiện lập nghiệp, phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tạo thêm việc làm cho gia đình, tăng thời gian lao động có ích. Không những vậy, nhiều hộ gia đình có điều kiện đưa giống mới năng suất cao vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu; phát triển mô hình sản xuất nhỏ lẻ thành các trang trại có quy mô lớn; giúp đỡ nhiều hộ khác thoát nghèo, chủ động đăng ký thoát nghèo. Đặc biệt, thông qua nguồn vốn vay chính sách, nhiều thanh niên nông thôn đã vươn lên lập nghiệp, trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn ưu đãi mới chỉ góp phần giúp các thanh niên trên địa bàn tỉnh lập nghiệp, còn con số thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công vẫn rất ít. Đối tượng này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và trọng tâm vẫn là vốn.

Mô hình nuôi gà của anh Triệu A Xám, thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách.
Mô hình nuôi gà của anh Triệu A Xám, thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách.

Theo đồng chí Hoàng Văn Hải, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, mặc dù có nhiều nguồn vốn hỗ trợ cho thanh niên như: Nguồn vốn Ngân hàng CSHX, nguồn vốn ủy thác từ các địa phương nhưng hạn mức giải ngân còn thấp, khiến thanh niên khởi nghiệp khó tiếp cận. Hơn nữa, thanh niên lại thường không có tài sản hữu hình và chỉ có tài sản trí tuệ nên khó có thể thế chấp, vay vốn tại ngân hàng. Do đó, các thanh niên khởi nghiệp thường vay mượn tiền của gia đình, bạn bè để thực hiện các dự án kinh doanh của mình và việc bỏ dở giữa chừng do thiếu vốn là rất phổ biến.

Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đang phối hợp với ngành chức năng nghiên cứu trình UBND tỉnh phê duyệt đề án “Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tỉnh Quảng Ninh”. Nguồn vốn do ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh nhằm mục tiêu hỗ trợ về vốn cho thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.

REVIEW OVERVIEW
Kiến Thức Nuôi Gà
100 %
Previous articleTừ đá gà qua mạng đến trường gà thật vùng ven TP.HCM
Next articleNổ Súng Phá Trường Gà Trái Phép Ngày 23/8/2019
thanh-nien-khoi-nghiep-tu-nuoi-gaAnh là một trong những thanh niên ở Đồn Đạc làm giàu từ mô hình chăn nuôi gà. Tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), anh mạnh dạn vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng để chăn nuôi 4.000 con gà thương phẩm.