Cần cù, chịu khó lao động, ở tuổi 49, nhà nông Đặng Xuân Trinh (ấp Thanh Trung, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, Bình Phước) đã trở thành tỷ phú. Chỉ từ 0,3 ha đất rẫy, bằng cách “lấy ngắn nuôi dài”, nhà nông này đang sở hữu khối tài sản trị giá hàng chục tỉ đồng. Ông Đặng Xuân Trinh là một trong số ít cá nhân của tỉnh Bình Phước được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Không những sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Đặng Xuân Trinh còn được nhiều người biết đến vì có những hoạt động nhân đạo, hỗ trợ vốn cho người dân địa phương phát triển kinh tế.
Những ngày đầu lập nghiệp năm 1989, ông Trinh trồng lúa, bắp, nuôi heo trên mảnh đất từ 0,3 ha. Dần dần khi có vốn ông quyết định trồng tiêu, tích lũy vốn mua đất mở rộng diện tích sản xuất. Những ai đã từng tiếp xúc với ông Đặng Xuân Trinh đều chung cảm nhận rằng ông là một người thân thiện, nhanh nhẹn, hoạt bát.
Ông Trinh kể lại thời gian trước, sau nhiều năm duy trì đàn heo, vườn tiêu, ông nhận thấy đã đến lúc cần phải thay đổi cách làm. Năm 2013, ông đã từ bỏ đàn heo và vườn tiêu để đầu tư nuôi gà thả vườn. Ông chia sẻ: Thời gian đầu vào Bình Phước lập nghiệp, khó khăn lắm, ông phải ở nhà người thân để đi làm thuê nuôi sống bản thân.
Sau đó, ông mua hơn 3 sào đất và lập gia đình. Từ đó, hai vợ chồng cố gắng tích góp, trồng trọt, chăn nuôi để có như ngày hôm nay. Trong sản xuất, ông luôn tìm tòi học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật nên hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi đều cao so với các hộ khác. Nói chung là làm nông nghiệp rủi ro rất cao.
Gần đây, ông Trinh chuyển đổi từ trồng tiêu sang nuôi gà thả vườn là vì cây công nghiệp thời gian cho thu hoạch lâu, giá cả lại không ổn định, bệnh tật nhiều, công lao động mỗi ngày một khó, chi phí trả cho nhân công cao. Chuyển sang kinh doanh và chăn nuôi chi phí ít hơn trồng tiêu, cao su.Việc mạnh dạn chuyển từ vườn tiêu sang nuôi gà giúp nhà nông này “như diều gặp gió”, kinh tế gia đình ngày càng phát triển.
Dẫn chúng tôi tham quan trại gà, ông Trinh cho biết, chính từ ưu điểm của việc nuôi gà thả vườn là ít vốn, thời gian nuôi ngắn, đầu ra khá ổn định, mỗi năm có thể nuôi từ 2 đến 3 lứa nên nhanh thu hồi vốn. Trung bình mỗi trại nuôi từ 4.000-5.000 con, hơn 3 tháng là có thể bán. Giá bán gà thịt hiện tại từ 55.000-65.000 đồng/kg tùy theo trống, mái.
“So với trồng trọt, chăn nuôi rủi ro cao hơn. Tuy nhiên, trên cùng đơn vị diện tích, chăn nuôi hiệu quả hơn trồng trọt. Song muốn phát triển chăn nuôi phải có kiến thức, biết áp dụng khoa học kỹ thuật, biết chọn con giống, có kiến thức để phòng trừ bệnh và đảm bảo thức ăn phù hợp từng giai đoạn phát triển của vật nuôi, đặc biệt là phải dự đoán được thị trường, có như vậy hiệu quả kinh tế mới cao”, ông Trinh chia sẻ thêm.
Từ sự cần cù, nhanh nhẹn, nhạy bén, đổi mới, hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Hà Tĩnh vào lập nghiệp tại Bình Phước, ông Đặng Xuân Trinh đang sở hữu khối tài sản trị giá hàng chục tỉ đồng.
Ông Trinh hiện có 10 trại gà với khoảng 50.000 con, có 4 ha cao su, 4 ha điều, một cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 2 nhà yến và một điểm kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Mỗi năm, gia đình ông có thu nhập đã trừ chi phí là trên 1,5 tỉ đồng.
Cũng như các nhà nông khác trong tỉnh, hành trình để đạt thành tích sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương của ông Đặng Xuân Trinh đã trải qua nhiều gian nan, vất vả. Với bản chất là nông dân cần cù, chịu khó, ông Trinh có được thành công như ngày nay nhờ áp dụng công thức riêng “làm nông là phải lấy ngắn nuôi dài”.
Ngoài việc sản xuất, kinh doanh, ông Trinh còn được người dân địa phương biết đến là một trong những cá nhân tiêu biểu về hiến đất xây dựng đường nông thôn mới, tham gia hoạt động từ thiện, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.
Gần chục năm nay, gia đình ông Trinh đã giúp đỡ hơn 70 hộ dân với tổng số tiền trên 2 tỉ đồng, hiến 2.000 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động có thu nhập ổn định với mức lương từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng.
Anh Lê Văn Đồ, quê ở tỉnh Sóc Trăng, lên Bình Phước lập nghiệp, là một trong những người có hoàn cảnh khó khăn đang làm việcTại trại gà của ông Đặng Xuân Trinh. Gần 7 năm được ông Trình nhận vào làm, vợ chồng anh và người con trai lớn đều làm việc và được lo ăn ở tại chỗ.
Anh Đồ còn được ông Trinh giao quản lý trại gà. Anh Lê Văn Đồ chia sẻ: Từ khi vào làm ở đây, cuộc sống gia đình anh ổn định hơn. Công việc cũng không mấy áp lực nhưng đòi hỏi phải làm thường xuyên. Ở miền Tây lên đây làm cũng 6-7 năm rồi, hiện tại hai vợ chồng anh quản lý và chăm sóc gà, con trai bán xăng. Trong công việc, anh Trình cũng khá thoải mái. Chúng tôi gặp khó khăn gì ảnh giúp đỡ liền.
Không chỉ gia đình anh Đồ mà nhiều lao động thường xuyên sau khi làm cho ông Đặng Xuân Trinh đều có cuộc sống, thu nhập ổn định hơn. Ngoài ra, trong năm, ông Trinh còn nhận hàng chục lao động có nhu cầu làm việc theo thời vụ, tăng thêm thu nhập gia đình.
Ông Điểu Teo, ấp Cần Lê cho biết: “Tôi là người gốc ở đây, mỗi khi có việc là tôi qua làm thuê cho ông Trinh để có thêm thu nhập. Không chỉ tôi mà rất nhiều bà con trong xã khi công việc nhà đã hoàn tất thì kiếm thêm thu nhập nhờ làm mướn thời vụ chỗ ông Trinh”.
Bằng kinh nghiệm sau nhiều năm làm nông nghiệp, ông Trinh còn phối hợp cùng Hội Nông dân xã Thanh Lương góp phần định hướng thay đổi tư duy và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con địa phương trong trồng trọt, chăn nuôi.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Lương Dương Hữu Đảng cho biết: “Ông Đặng Xuân Trinh là người nhiệt tình, biết cách làm giàu, có trách nhiệm. Với địa phương, ông đã đóng góp rất nhiều công sức, truyền đạt nhiều kinh nghiệm cho nông dân trong sản xuất, kinh doanh. Với tấm lòng và trách nhiệm công dân của mình, ông Trinh cũng tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Ông hiến đất để làm đường nông thôn mới, hàng năm đều có đóng góp cho địa phương giúp đỡ bà con nghèo, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết”.
Theo K GỬI H (TTXVN)